Hướng dẫn viết chương 4 - Luận văn thạc sĩ (nghiên cứu định lượng)
Nguồn ảnh: doanhnhanmoi.vn |
CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ KHẢO SÁT VÀ THẢO LUẬN
Cấu trúc chương
4.1. Giới thiệu về đơn vị
4.2. Mô tả dữ liệu nghiên cứu
4.3. Đánh giá độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach's Alpha
4.4. Phân tích nhân tố khám phá EFA
4.5. Kiểm định mô hình nghiên cứu
4.6. Thảo luận kết quả nghiên cứu
Nội dung
4.1. Giới thiệu về đơn vị
Phần này, các bạn học viên giới thiệu tổng quát về đơn vị mình thực hiện đề tài trong khoảng từ 2-3 trang A4 và không được nhiều hơn, tránh diễn giải lan man, cố tình viết để lấp đầy số trang theo yêu cầu. Các nội dung giới thiệu trong phần này phải phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài: ví dụ đề tài nghiên cứu về người lao động như: lòng trung thành, sự gắn kết, thỏa mãn công việc thì phần giới thiệu này phải tập trung chỉ ra được các chế độ chính sách đối với người lao động mà đơn vị đang thực hiện.
4.2. Mô tả dữ liệu nghiên cứu
Về nội dung lý thuyết: học viên mô tả tổng thể về cuộc khảo sát mà mình thực hiện bao gồm các tiêu chí: tổng số phiếu khảo sát đã phát ra, tổng số phiếu thu về, tổng số phiếu hợp lệ sau khi lọc phiếu, tỷ lệ phần trăm của phiếu hợp lệ.
Tiếp theo đó, học viên mô tả về tần suất của các tiêu chí nhân khẩu học trong cuộc khảo sát của mình như: Giới tính, nghề nghiệp, thu nhập, độ tuổi, ......
Về phương pháp phân tích dữ liệu: học viên có thể tham khảo phương pháp thống kê tần suất của các tiêu chí nhân khẩu học tại bài viết Hướng dẫn thống kê tần suất, thống kê giá trị trung bình của Blog này.
4.3. Đánh giá độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach's Alpha
Phân tích hệ số Cronbach’s Alpha để loại bỏ các biến không phù hợp, hạn chế các biến rác trong quá trình nghiên cứu. Các biến quan sát có hệ số tương quan biến-tổng (item-total correlation) nhỏ hơn 0.3 sẽ bị loại và tiêu chuẩn chọn thang đo khi hệ số Cronbach’s Alpha từ 0.6 trở lên (Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008, tr.258).
Phần này, học viên trình bày tổng thể kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach's Alpha, thể hiện các số liệu theo các tiêu chuẩn đánh giá, sau đó học viên vẽ bảng tổng hợp các biến quan sát theo từng yếu tố sau khi đánh giá thang đo.
Phần số liệu chi tiết, học viên thể hiện trong phụ lục của Luận văn.
Về phương pháp phân tích dữ liệu: học viên có thể tham khảo phương pháp đánh giá độ tin cậy thang đo tại bài viết Hướng dẫn đánh giá độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach's Alpha của Blog này.
4.4. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Phân tích nhân tố là tên chung của một nhóm các thủ tục được sử dụng chủ yếu để thu nhỏ và tóm tắt các dữ liệu. Trong nghiên cứu, chúng ta có thể thu thập được một số lượng biến khá lớn và hầu hết các biến này có liên hệ với nhau và số lượng các biến phải được giảm bớt xuống đến một số lượng mà chúng ta có thể sử dụng được (Hoàng Trọng & cộng sự, 2008, tr.27).
Phần này, học viên trình bày tổng thể các bước phân tích nhân tố khám phá EFA, quá trình loại biến do không phù hợp với các tiêu chuẩn đề ra, sau đó học viên sẽ vẽ bảng tổng hợp kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA của các biến độc lập và các biến phụ thuộc.
Phần số liệu chi tiết, học viên thể hiện trong phụ luc của Luận văn.
Về phương pháp phân tích dữ liệu: học viên có thể tham khảo phương pháp phân tích nhân tố khám phá tại bài viết Hướng dẫn phân tích nhân tố khám phá EFA của Blog này.
4.5. Kiểm định mô hình nghiên cứu
Kiểm tra tương quan giữa các biến độc lập với nhau và với biến phụ thuộc thông qua ma trận hệ số tương quan. Theo đó, điều kiện để phân tích hồi qui là phải có tương quan giữa các biến độc lập với nhau và với biến phụ thuộc. Tuy nhiên, khi hệ số tương quan < 0.85 thì có khả năng đảm bảo giá trị phân biệt giữa các biến. Nghĩa là, nếu hệ số tương quan > 0.85 thì cần xem xét vai trò của các biến độc lập, vì có thể xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến (một biến độc lập này có được giải thích bằng một biến khác).
Phân tích hồi quy tuyến tính dựa vào các tiêu chuẩn:
- Đánh giá độ phù hợp của mô hình.
- Kiểm định độ phù hợp của mô hình.
- Xác định hệ số hồi quy riêng phần.
- Kiểm tra vi phạm giả định.
Về phương pháp phân tích dữ liệu: học viên có thể tham khảo bài viết Hướng dẫn tạo biến đại diện cho yếu tố, phân tích ma trận tương quan Pearson, và bài viết Hướng dẫn thực hiện kiểm định mô hình nghiên cứu bằng phân tích hồi quy tuyến tính của Blog này.
Ngoài ra, học viên còn phải thực hiện 1 kiểm định khác đó là kiểm định khác biệt về nhân khẩu học để đánh giá xem giữa các nhóm nhân khẩu học khác nhau thì có Sự hài lòng khác nhau hay không. Để thực hiện kiểm định này, học viên có thể tham khảo bài viết Hướng dẫn kiểm định khác biệt mẫu bằng công cụ T-Test Independent và Anova của Blog này.
4.6. Thảo luận kết quả nghiên cứu
Thảo luận kết quả nghiên cứu là việc đánh giá lại mức độ tin cậy của cuộc khảo sát, phân tích số liệu cũng như đánh giá tính đúng đắn trong việc chọn lựa phương pháp nghiên cứu.
Thảo luận kết quả nghiên cứu được thực hiện thông qua phỏng vấn chuyên gia, thảo luận tay đôi, thảo luận nhóm các chuyên gia, nhân viên đã tham gia nghiên cứu định tính để xác định lại sự phù hợp của nghiên cứu định tính với kết quả phân tích định lượng.
Việc đánh giá kết quả nghiên cứu dựa trên 2 phương diện: Đánh giá, so sánh với lý thuyết và trên phương diện thực tiễn của đơn vị.
Về lý thuyết: tác giả xem xét kết quả nghiên cứu của mình có tương đồng với bất kỳ nghiên cứu nào trước đó mà nghiên cứu này thừa kế hay không, xem xét tính mới của nghiên cứu này so sới các nghiên cứu trước.
Về thực tiễn của đơn vị: tác giả xem xét kết quả nghiên cứu có thực sự chỉ ra những điểm mạnh cũng như những vấn đề còn hạn chế của đơn vị mình, kết quả nghiên cứu có phản ảnh đúng đắn tình hình thực tế diễn ra tại đơn vị mình hay không.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo 7 bước thực hiện luận văn thạc sĩ Quản trị kinh doanh - Nghiên cứu định lượng
Hãy like khi bài viết có ích cho nghiên cứu của bạn.
Vui lòng ghi rõ nguồn lengochaiufm.blogspot.com khi bạn chia sẻ bài viết này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét